Tôi không biết nỗi nhớ bắt đầu từ lúc nào. Có thể là khi tôi ngồi trong căn hộ cao tầng giữa Hà Nội, nghe tiếng còi xe vọng lên như những nhát búa đóng dần vào thinh lặng. Cũng có thể là khi tôi nhìn thấy con trai mình ngủ trên chiếc giường đầy đồ chơi nhựa, mà lòng lại quay về những đêm tôi ngủ dưới mái nhà lợp xi măng, gối đầu vào chiếc gối bông mẹ khâu bằng vải cũ.
Quê tôi là một thành phố miền núi. Không nghèo, không vắng vẻ, nhưng đủ yên ả để lắng nghe được chính mình. Ở đó, không có những siêu thị sáng trưng hay những quán cà phê ngập đèn, nhưng có cây mít mật sau nhà trổ trái thơm lừng, có cái giếng nước mát lạnh mùa hè, có con dốc đá cao dẫn lên cổng mà ngày xưa tôi dắt xe đạp vượt qua mỗi sáng. Có bà nội cầm chiếc quạt nan bên bếp củi, luôn bênh tôi mỗi lần tôi trốn học đi chơi net. Có cả tiếng bố la mắng, tiếng mẹ cằn nhằn, tiếng em trai cười khúc khích trong sân khi đốt than nấu cơm. Những thanh âm bình thường đến mức chẳng ai nghĩ mình sẽ nhớ. Nhưng tôi nhớ. Nhớ đến buốt lòng.
Căn nhà ấy tường vàng, mái xám, nhỏ và cũ. Nhưng ấm. Ấm theo cách mà dù có mặc bao nhiêu lớp áo nơi phố thị cũng không cảm nhận được. Mỗi lần trở về, tôi hay lặng lẽ chạm tay lên bức tường ấy. Không phải để làm gì, mà để chạm vào một phần đời mình đã bị rứt ra. Cái phần đời giờ chỉ còn sống bằng ký ức.
Tôi muốn về. Muốn dọn hết mọi rối ren ngoài kia, ôm vợ con, xin nghỉ việc, quay về làm lại. Một căn nhà nhỏ, một vườn rau, con học trường gần, sáng đưa chiều đón, tối nấu ăn rồi ngủ sớm. Tôi đã hình dung như thế, rất nhiều lần. Nhưng tôi không thể. Vì đời không phải là những gì ta muốn, mà là những gì ta buộc phải chọn. Vì còn con, còn nghĩa vợ chồng, còn trăm ngàn sợi dây níu giữ. Và rồi, tôi lại ra đi, mang theo một tâm trạng như thể mình vừa chôn cất một nửa đời ở lại.
Bố mẹ và em trai tôi – những người tôi yêu nhất, lại là những người luôn động viên tôi ở Hà Nội cho tương lai tốt hơn. Còn vợ tôi thì không yêu quê chồng. Và thực ra, cô ấy chưa từng hiểu tôi yêu nó đến đâu.
Cô ấy nói: “Về đó thì con học ở đâu ? Có gì mà sống ?”
Tôi lặng im. Vì mỗi câu nói sau đó của cô ấy đều là lời tuyên án: “Nếu anh cứ ôm cái ảo tưởng đó mãi, thì đừng trách em.”

Cô ấy không phải người xấu. Cô ấy là một người vợ đúng nghĩa, chăm con, vun vén, giỏi quán xuyến. Nhưng giữa tôi và cô ấy là một vết nứt lớn: Vết nứt mang tên “quê hương”. Tôi yêu gốc rễ, cô ấy chọn ngọn. Tôi nhớ căn nhà vàng, cô ấy mơ căn hộ mới. Tôi muốn sống chậm, cô ấy muốn tiến về phía trước.
Cô ấy bảo “Về quê là em sẽ ly hôn.” Câu nói ấy như một cái án treo trong lòng tôi suốt mấy năm qua. Không phải vì tôi sợ ly hôn. Mà vì tôi yêu con trai tôi. Thằng bé mới 5 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu vì sao người lớn cứ phải chọn, mà không thể cùng nhau giữ lại một điều gì đó…
Nên tôi ở lại. Tôi tiếp tục sống trong một cuộc đời không thuộc về mình. Tôi nhớ nhà da diết, mà không biết “nhà” ấy có còn là của mình nữa không. Mỗi ngày trôi qua như một bản nháp tẻ nhạt, lặp lại và vô vị: đi làm, đón con, về nhà, ăn cơm, cãi nhau, làm hòa, lặp lại… Mỗi sáng mở mắt là một ngày khác, nhưng vẫn cùng một cảm giác như đang đi lạc khỏi đời mình.
Mỗi lần về quê là một lần tôi héo đi. Tôi không về nhiều nữa. Không phải vì bận, mà vì không chịu nổi cái khoảnh khắc bước ra khỏi cổng nhà, nhìn bố và mẹ đứng tiễn, nắng vàng rọi xuống vai họ như gợi lên từng đốm thời gian. Tôi sợ một ngày nào đó, khi về, chỉ còn lại cái bàn thờ nghi ngút khói. Sợ rằng điều duy nhất tôi có thể làm là cúi đầu và nói: “Con xin lỗi. Con về không kịp.”
Tôi không trách ai cả.
Không trách vợ. Không trách bố mẹ đã khuyên tôi mua nhà Hà Nội cho tương lai con cái. Không trách em trai tôi vì cứ cười bảo anh suy nghĩ nhiều rồi. Họ không hiểu, hoặc có thể họ hiểu nhưng bất lực như tôi. Tôi chỉ trách lòng mình, vì không đủ cứng để chọn điều mình tin, cũng không đủ mềm để buông điều mình thương nhớ.
…
Nên tôi sống lưng chừng.
Có những đêm, tôi đứng ngoài ban công nhìn xa về phía không có gì cả. Trong đầu là cây mít sau nhà, là mái xi măng, là tường vàng, là bà nội không còn nữa, là cái giếng cạn nước nhưng vẫn soi được một phần ký ức. Tôi thấy mình ở đó. Và cũng thấy mình ở đây, lạc lõng.
Tôi chưa bao giờ quên. Chỉ là không còn dám nhớ nhiều.
Vì tôi biết, nếu nhớ thêm một chút nữa thôi, tôi sẽ từ bỏ phố thị.
Nhưng rồi ai sẽ lo cho con ? Ai sẽ làm chồng cô ấy ? Ai sẽ giải thích cho đời hiểu: Tôi rời bỏ tất cả chỉ vì… quá nhớ một căn nhà cũ có tường sơn màu vàng ?
Yuumon viết. Cho một người vẫn đang đi xa dần khỏi quê hương, mà lòng chưa từng bước ra khỏi cổng.
© 2025 Yuumon.
Bản quyền nội dung thuộc về Yuumon. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa, hoặc đăng tải lại dưới bất kỳ hình thức nào mà không ghi rõ nguồn. Nếu trích dẫn, xin vui lòng dẫn link về bài viết gốc tại: www.yuumon.com